Trang chủ » Tin tức » Cố đô Huế trước hiểm hoạ... mối
Cố đô Huế trước hiểm hoạ... mối
18/07/2011 09:53

 100% các công trình gỗ tại cố đô Huế đều có dấu hiệu phá hoại của mối 

“Mối không chỉ tấn công các công trình bằng gỗ mà còn phá hoại cả các kiến trúc bằng đá, đất nung. Có tổ mối như ở lăng Tự Đức, chỉ trong 8 ngày đã đùn cao tới 1,6 m, làm rạn nứt công trình bên trên. Mối làm tổ dưới đất cũng có thể gây lún đổ nghiêng, đổ sập các công trình trên bề mặt…”.

Ông Phan Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Mỗi năm Trung tâm đầu tư từ 500 đến 700 triệu đồng thực hiện các đề tài chống mối, chống rêu phong. Tuy nhiên chừng ấy kinh phí chỉ đủ tập trung cho 10 công trình quy mô tại khu vực chính, còn lại các nơi khác, chủ yếu vẫn là phòng ngừa…”.

Theo ông Dũng, do tác động của mưa nắng, thời tiết, nhiều kiến trúc tại đây đã xuống cấp trầm trọng. Vì thiếu kinh phí, hiện mới có 40 công trình được khắc phục, còn những nơi khác, nơi nào mục nát quá đành… giới hạn khách vào tham quan trong những ngày mưa to gió lớn (!).

Chỗ nào cũng mối

Theo một điều tra gần đây, tỉnh TT - Huế có 41 loại trong tổng số 82 loại mối có tại Việt Nam, 11 trong số đó thường xuyên xuất hiện, phá hoại di tích cổ cố đô Huế.

TS Nguyễn Tân Vương (Trung tâm nghiên cứu phòng trừ mối - Viện khoa học Thuỷ lợi), cho biết kết quả khảo sát của Trung tâm từ những năm 94-95 cho thấy 100% công trình gỗ tại đây đều đã có dấu vết xâm thực của mối. Ở một số công trình, mối phá hoại phần cấu kiện chịu lực mái, móng nhà. Cộng thêm tác động xấu của thời gian, chiến tranh, những hư hại này khó lòng phục hồi nguyên trạng được.

Mối ở Huế chia làm 5 nhóm, trong đó có 3 nhóm chính. Nguy hiểm nhất là nhóm Cototermes, ăn vào cấu kiện gỗ chịu lực như cột trụ bằng gỗ lim, vật phẩm trang trí treo trên tường… Tổ của loài mối này rất đông, phá hoại mạnh, đặc biệt chỗ mối ăn lại không trùng với nơi ở của nó nên rất khó tiêu diệt chúng. Nhóm hai, mối Globitermes, chỉ làm tổ ngoài gốc cây, hàng ngày bay vào “tấn công”, rất khó phát hiện và xử lý. Loại thứ 3, mối Microerotermes và phân họ Macrotermes-tinac làm tổ chân tường, đầu gỗ, thuận lợi cho việc tìm diệt.

“Nước đổ lá khoai”

Trước thực trạng mối tại đây, năm 1995, thông qua tổ chức UNESCO, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã xử lý toàn bộ các công trình kiến trúc gỗ trong quần thể di tích, đặc biệt là các công trình nằm trong kế hoạch tu bổ, tôn tạo bằng một số phương pháp diệt mối của Viện khoa học Lâm nghiệp như phương pháp lây nhiễm, phụt thuốc.

Năm 1997, tập đoàn Rhône Poulenc (Pháp) đã giúp đỡ trực tiếp cho việc phòng chống mối nền, cấu kiện gỗ tại Hiển Lâm Các (Đại Nội Huế)… với công nghệ mới đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Quá trình xử lý mối được kết hợp đồng bộ với công tác hạ giải, trùng tu, bảo quản công trình, cấu kiện bằng các hoá chất như PBB, PMD4, Penzoa Cypermethrine - Termidor (Pháp…). Các biện pháp chống mối thông dụng như dùng sơn ta, lập rào cản mối cho nền công trình, kiểm tra nguồn lây nhiễm… cũng được áp dụng.

Bất chấp mọi nỗ lực của nhà khoa học, mối vẫn tiếp tục xâm lăng các công trình của khu di tích độc nhất vô nhị này.

Đâu là giải pháp ?

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm những phương pháp chống mới hiệu quả hơn, đặc biệt các phương pháp vi sinh, ngăn chặn, xử lý sự phát triển của các loại nấm và côn trùng có hại, lấy gỗ quý phục vụ việc tôn tạo di tích, vận động nhân dân địa phương tăng cường phòng chống mối thông qua việc làm sạch môi trường, dùng các biện pháp xử lý mối truyền thống…

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, tính năng của tất cả các loại hoá chất đều chỉ có ảnh hưởng trong một thời gian nhất định, mà rất nhiều công trình nghệ thuật như ngai vàng, tranh tượng… trong trường hợp bị mối (liên tục phát triển) phá hoại sẽ không thể phục hồi.

Biện pháp phòng tránh mối để bảo vệ di sản cố đô Huế do vậy đòi hỏi thêm công sức đóng góp của nhiều nhà khoa học khác nữa nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.

Kinh đô Huế - di sản văn hóa thế giới

Là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn từ năm 1802 đến 1945 (xây dựng năm 1802, hoàn thành năm 1883), kinh thành Huế nằm trên bờ bắc dòng sông Hương, chu vi tới hơn 10 km. Chính giữa là Hoàng thành, kiến trúc hình vuông, mỗi cạnh khoảng 600 m. Hàng trăm công trình kiến trúc đặc sắc đã được xây dựng tại đây. Qua hai cuộc chiến tranh, với tác động của thời gian, Hoàng thành đã bị hư hại nặng nề. Ngày nay, cố đô Huế đang được phục nguyên. Tháng 12/1993, UNESCO chính thức ghi tên kinh thành Huế vào danh mục “Di sản văn hoá thế giới” trong cuộc họp lần thứ 17 tổ chức tại Columbia.

(Theo Gia đình và Xã hội, 10/5) 






Trang chủ » Tin tức » Cố đô Huế trước hiểm hoạ... mối