Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có gần 8.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 6 trường hợp tử vong. Hiện mỗi tuần TP ghi nhận trên 400 ca mắc bệnh
Không nằm ngoài dự báo, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) hiện lan nhanh vào các trường học chỉ sau một tháng bước vào năm học mới.
Đóng cửa trường để tránh dịch
Theo BS Lê Minh Hùng, Phó Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, sau ngày khai giảng, đơn vị đầu tiên trên địa bàn TP vừa phải tạm đóng cửa để tổng vệ sinh phòng tránh dịch bệnh TCM là cơ sở 3 thuộc Trường Mầm non 15 (quận 11). Cơ sở này có hơn 170 học sinh nhưng đã có 8 trẻ mắc bệnh TCM chỉ trong vòng chưa đến một tuần (từ ngày 12 đến 17-9).
Ngay sau đó, UBND quận thông báo cho toàn bộ học sinh của trường được nghỉ học, cách ly để khử khuẩn. Đến nay, sau 10 ngày thực hiện biện pháp y tế đúng quy định, cơ sở này đã hoạt động lại bình thường. Ghi nhận của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy trên địa bàn quận này còn có một số trường mầm non có trẻ mắc bệnh TCM nhưng chưa đến mức phải đóng cửa.
Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM
Tại quận Tân Bình, dù không đóng cửa trường nhưng ít nhất có 2 trường ghi nhận có trẻ mắc bệnh TCM. “Những ngày cuối tuần, các trẻ được phụ huynh đưa đi chơi những nơi đông người rồi bị lây bệnh nhưng đến đầu tuần vẫn cho đi học. Vì vậy, trong những ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng quận đã đến các trường tầm soát sức khỏe cho các cháu”- một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình xác nhận.
Các chuyên gia y tế cho biết dịch bệnh TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường nhanh chóng trở thành điểm nóng đáng lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tháng 3 và tháng 4 - 2012, tại TP mới có 40 trường có từ 2 ca bệnh TCM trở lên thì đến nay, con số này tăng thành 80 trường.
Tỉ lệ trẻ có đi học trên số bệnh nhân nhập viện là hơn 30%. Số ca mắc tập trung nhiều ở các quận ven có đông dân, trường lớp quá tải… Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có gần 8.000 ca mắc bệnh TCM, trong đó 6 trường hợp tử vong. Hiện mỗi tuần, toàn TP ghi nhận trên 400 ca mắc bệnh.
Khẩn trương dập dịch
Tại các cơ sở y tế điều trị, số trẻ đến khám TCM tăng không ngừng. Tại các bệnh viện như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70-90 trẻ mắc bệnh TCM nhập viện, tăng gấp đôi so với trước đó vài tháng.
Chỉ riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, theo ThS-BS Võ Minh Quang, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, hiện số trẻ đến khám bệnh TCM tăng vọt mỗi tuần với trung bình 200 ca/tuần, có khoảng 5-8 ca nặng. Ghi nhận ở tuần 29 chỉ có 283 lượt trẻ đến khám bệnh TCM thì đến tuần mới nhất (tuần 38), con số này là 1.818 lượt, trong đó 233 ca nhập viện điều trị. Hiện mỗi ngày, tại đây có hơn 150 trẻ điều trị nội trú bệnh này.
PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định lứa tuổi mắc bệnh TCM đang lớn dần, trước đây tập trung chủ yếu ở nhóm dưới 3 tuổi thì nay lại tập trung nhiều ở nhóm từ 3-5 tuổi. Đây là nhóm tuổi đang học tại các trường mầm non, do vậy vai trò của nhà trường trong công tác phòng chống dịch TCM là rất quan trọng.
Trước tình hình này, mới đây, ngành y tế và ngành giáo dục TPHCM đã ký kết văn bản liên tịch ngăn chặn dịch bệnh tấn công vào trường học. Theo đó, các trường tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh cho trẻ ở nhà khi bị bệnh; tăng cường công tác giám sát để phát hiện trẻ bệnh ở trường, lớp; nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch thường quy là rửa tay thường xuyên bằng nước sạch hoặc xà phòng, làm sạch lớp học (nơi vui chơi, ăn nghỉ, đồ chơi, bề mặt tiếp xúc…) hằng ngày, khử khuẩn mỗi tuần…; báo cáo ngay cho y tế địa phương khi có ca nghi ngờ mắc tại trường/lớp… UBND các quận, huyện sử dụng nguồn kinh phí phòng chống dịch của địa phương hỗ trợ cho ngành giáo dục trên địa bàn mình quản lý để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong trường học…
Bệnh nhẹ cũng không được chủ quan
BS Võ Minh Quang cho biết nếu từ những tuần đầu năm, số trẻ nhiễm bệnh TCM ở thể nặng (do virus EV-71) ghi nhận 100% thì từ tuần 20 trở đi đã giảm xuống đáng kể, còn 30%. Theo các bác sĩ, dù số ca nhập viện tăng cao, đa số là ca bệnh nhẹ nhưng không được chủ quan. So với năm ngoái, năm nay, bệnh TCM biểu hiện triệu chứng điển hình rõ ràng và diễn biến nhẹ.
Các bác sĩ cũng lưu ý số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh TCM tại các bệnh viện chỉ là bề nổi, chiếm số ít, đáng lo ngại là phần đông nằm ngoài cộng đồng mà nguy cơ cao trong thời điểm này là lây lan nhanh trong các trường học. Tuy nhiên, do bận đi làm, tâm lý chủ quan… nên nhiều trẻ dù đã nhiễm bệnh nhưng phụ huynh vẫn cho con đến lớp.