QĐND - Năm 2012, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn có những diễn biến phức tạp khi “điểm nóng” của bệnh này đang hoành hành tại các tỉnh phía Nam và đã có nhiều ca tử vong. Các chuyên gia y tế cảnh báo, số lượng ca tử vong nhiều do không ít người nghĩ rằng bệnh SXH chỉ tấn công trẻ nhỏ, còn ở người lớn ít bị mắc bệnh. Chính vì sự chủ quan này mà người lớn bị SXH dễ tử vong hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng...
|
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Trường Giang
|
Ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng ban Quản lý dự án phòng, chống SXH (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 39.987 trường hợp mắc SXH tại 52 tỉnh, thành phố, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó đã có 30 trường hợp tử vong. Theo quy luật, SXH thường gia tăng vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. Do đó, trọng tâm hoạt động những tháng cuối năm 2012 là triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống SXH để giảm số mắc, giảm số tử vong và không để dịch lớn xảy ra, đặc biệt tập trung các tỉnh có số mắc cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa vi-rút ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh SXH có thể dẫn đến tử vong khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc. Tại Việt Nam, sự gia tăng đột ngột các trường hợp SXH đang là mối lo cho xã hội. SXH là một bệnh do muỗi truyền, đặc biệt phát triển tại các vùng nông thôn, nơi điều kiện vệ sinh môi trường kém. Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm nhận định, nguyên nhân của bệnh SXH gia tăng trên diện rộng là do bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh là do sự thiếu ý thức của người dân. Bệnh có quanh năm, tuy nhiên thường gặp nhiều nhất vào mùa mưa. Dù ngày nay y học phát triển, số người chết vì bệnh này ngày càng giảm đáng kể, nhưng diễn biến của bệnh vẫn rất phức tạp, kể cả ở trẻ em và người lớn. Trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn, nhất là trẻ ở khu vực có nhiều muỗi, quanh các vùng sông rạch, nơi có ao tù nước đọng quanh năm. Ở thành thị, những bồn chứa nước, bình hoa, hồ cá cũng có thể trở thành nơi sản sinh muỗi... Bệnh sẽ không nguy hiểm nếu biết cách phòng, chống và khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần đi khám và theo dõi điều trị tại cơ sở y tế.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, một trong những thách thức trong xử lý dịch SXH hiện nay là diệt lăng quăng. Để có thể ngăn chặn được bệnh SXH, Bộ Y tế cần triển khai chiến dịch truyền thông mạnh trên các phương tiện như đài truyền hình, đài phát thanh, phát tờ rơi; giám sát, tuyên truyền tới từng hộ gia đình, từng người dân phải thay đổi nhận thức, hành vi trong phòng, chống bệnh; vận động cộng đồng tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong phòng, chống SXH.
Ông Trần Thanh Dương cũng cho biết, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH, các Sở Y tế trên địa bàn cả nước đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm, bao vây dập dịch kịp thời, không để dịch bùng phát... Khi có ca dịch nhanh chóng cách ly bệnh nhân, xử lý ổ dịch. Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, các đơn vị y tế dự phòng chủ động làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai phòng, chống dịch bệnh, chia sẻ thông tin, đặc biệt trong các trường học; phối hợp với các quận, huyện triển khai công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, tổ chức phun hóa chất, diệt bọ gậy. Các trường học chú ý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp ăn bán trú, vệ sinh trường lớp, các thầy cô giáo chú ý nắm được biến động sức khỏe của học sinh, trao đổi thông tin, để kịp thời phát hiện bệnh nhân mắc bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng.
Tin, bài, ảnh cộng tác với trang "Sức khỏe và Đời sống" của cộng tác viên xin chuyển về địa chỉ: Phòng Biên tập Kinh tế - Xã hội và Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: (04).38456735- 069.551285. Email: kinhtebqd@gmail.com.
|
Hà Vũ