Những con côn trùng nhỏ bé tưởng như vô hại nhưng lại chứa nọc độc gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
Muỗi
Chúng ta thường xuyên gặp và có thể bị muỗi đốt hàng ngày, nhất là những ai ở các vùng nông thôn, những khu vực ẩm thấp. Thông thường, muỗi đốt gây ngứa, nổi mẩn đỏ một thời gian ngắn là khỏi. Tuy nhiên có những loại muỗi là tác nhân truyền bệnh sốt rét, sốt vàng da và muỗi vằn là một trong số những loài muỗi nguy hiểm đó.
Muỗi vằn cũng là một trong 10 loài côn trùng nguy hiểm nhất thế giới. Loài muỗi này đã giết trung bình 5 trẻ em/30 giây ở châu Phi và 1-3 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.
Ong
Ong thường xuất hiện nhiều, tập trung ở vùng nào đó theo mùa hoa nở. Hầu hết các loại ong đều có nọc độc nhưng không gây nguy hiểm nếu vết đốt không nhiều và không bị đốt ở đầu, mặt…
Tuy nhiên ở nước ta có một số loại ong có nọc cực độc như: ong vò vẽ, ong đất, ong bắp cày… có thể làm chết người. Người bị ong đốt có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên, nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người.
Kiến
Ở Việt Nam có những loài kiến gây nguy hiểm khi tấn công người là kiến ba khoang và kiến lửa.
Thời gian vừa qua, có rất nhiều người gặp rắc rối khi bị kiến ba khoang tấn công. Kiến ba khoang đốt không gây sưng tấy, nhưng việc tiếp xúc, va chạm, chà xát và gãi sẽ gây ngứa, rát, lở loét. Độc tố của kiến ba khoang gấp 10 lần rắn hổ nhưng vì chỉ tiếp xúc nhỏ, ngoài da nên không gây chết người như nọc rắn.
Ngoài ra, kiến lửa cũng là loài côn trùng cực độc từng xuất hiện ở nước ta. Kiến lửa tấn công người bằng ngòi chứa chất độc, gây đau nhức, phồng da và trước đây loài kiến này từng làm một phụ nữ Đài Loan tử vong.
Bọ chét
Bọ chét là loài côn trùng sống ký sinh trên da động vật có vú hoặc chim để hút máu. Vì kích thước nhỏ nên con vật này dễ dàng di chuyển, tồn tại dưới đám lông cơ thể vật chủ.
Bọ chét chuột là loại trung gian truyền bệnh dịch hạch. Bọ chét cắn người sẽ gây sưng, hoặc dị ứng. Một số trường hợp dịch bệnh xảy ra còn gây chết người.
Rết
Rết thuộc nhóm động vật thân đốt, phân ngành nhiều chân. Rết có nọc độc cực mạnh, có thể khiến người bị cắn đau đớn quằn quại hoặc tê liệt hoàn toàn. Những vết bị rết cắn thường sưng tấy dai dẳng, khiến người bị cắn sốt nóng, lạnh, nôn mửa.
Bọ xít
Bọ xít ăn sâu, vốn là côn trùng có ích cho nông nghiệp. Tuy nhiên, có loại bọ xít lại sống dựa vào thức ăn máu người và gia súc, gọi là bọ xít hút máu.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, loại bọ xít hút máu người này là loại trung gian truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, gây bệnh Chaga. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Mầm bệnh có thể ủ trong cơ thể người và làm mất dần khả năng miễn dịch, trở thành bệnh mãn tính từ 10 đến 40 năm sau, dẫn đến các bệnh về máu như: tắc nghẽn mạch máu, rung tim…
Loại bọ xít hút máu này từng xuất hiện ở Việt Nam khiến người dân hoang mang. Tuy vậy, theo các nhà khoa học, khả năng truyền bệnh của bọ xít hút máu người ở Việt Nam hầu như không có vì nước ta không có mầm bệnh.
Nhện
Các loài nhện ở Việt Nam không độc như nhiều đồng loại của chúng ở châu Phi hay Nam Mỹ. Hồi tháng 6/2012, các nhà khoa học Hà Tĩnh vừa phát hiện con nhện khổng lồ ở huyện Kỳ Anh. Theo nhận định của giới chuyên môn, đây là con nhện độc.
Vết đốt của nhện thường làm da phồng lên, đỏ và nhức, đôi khi gây chóng mặt, sốt nhưng không quá nguy hiểm.
Bọ cạp
Đa số nọc độc của bọ cạp vô hại với con người, tuy nhiên nó có thể gây ra các phản ứng khác như đau, tê cứng hay sưng phồng.
Chỉ có một vài loài bọ cạp có nọc độc chết người, ví dụ bọ cạp thân cây ở tây bắc nước Mỹ. Ở Việt Nam có hai loài bọ cap phổ biến là bọ cạp đen và bọ cạp nâu.
Anh Tuấn (tổng hợp)