Rệp Boxelder thường tập trung thành nhóm để phơi nắng tại tỉnh British Columbia, Canada. Cho rằng hiện tượng này không bình thường, các nhà sinh học của Đại học Simon Fraser tại Canada quyết định tìm hiểu. Họ nhận thấy dường như ánh sáng mặt trời kích hoạt quá trình tổng hợp monoterpene, một hợp chất có mùi mạnh và có khả năng bao bọc bào tử nấm trên cơ thể của rệp. Nhờ monoterpene mà bào tử nấm không thể xâm nhập vào cơ thể rệp, Livescience đưa tin.
"Phơi thân dưới nắng giúp rệp Boxelder ngăn chặn những tác nhân gây bệnh mà chúng không thể tránh trong nơi trú ẩn của chúng. Giới khoa học chưa từng chứng kiến hiện tượng này ở những loài côn trùng khác", Gerhard Gries, một giáo sư sinh học của Đại học Simon Fraser, phát biểu.
Theo Gries, nếu rệp Boxelder dùng năng lượng mặt trời để phục vụ các quá trình hóa học trong cơ thể mà không cần tới sự hỗ trợ của những vi khuẩn cộng sinh thì khả năng này là một kỳ tích đáng nể trong thế giới sinh vật sống.
Nghiên cứu của Đại học Simon Fraser được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành Entomologia Experimentalis et Applicata.