Hai ca tử vong do amip ăn não khiến cộng đồng hoang mang lo lắng; chuột cống cắn người truyền virus gây suy thận; kiến ba khoang ồ ạt tấn công dân cư, tin đồn đỉa trong sữa... là những sự kiện y tế nổi bật trong năm 2012.
1. Amip ăn não:
2 trường hợp tử vong do amip ăn não khiến nhiều người lo sợ bởi loại virus sống trong nước sông hồ này ít gây bệnh cho người. Bệnh nhân đầu tiên là thanh niên 25 tuổi ở Phú Yên, trú tại TP HCM, tử vong chỉ sau một ngày nhập viện.
Lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi, anh vào viện, vẫn sốt cao, suy hô hấp, hôn mê sâu rồi ngưng tim đột ngột. Trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với nước sông hồ, môi trường được cho là tồn tại amip ăn não. Trường hợp thứ hai dương tính với Naegleria fowleri là bệnh nhi 6 tuổi ngụ tại Bình Tân. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng có khối ápxe não, qua đời ngay sau nhập viện.
Xác định amip ăn não tồn tại trong nước sông hồ, có thể xâm nhập vào não theo đường mũi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao, nếu phải xuống nước nên hạn chế tối đa nước vào mũi, dùng kẹp mũi nếu có thể. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Chuột, kiến ba khoang tấn công người:
|
Không gây tử vong, sự tấn công ồ ạt của kiến ba khoang khiến nhiều người lo lắng. Ảnh: T.H. |
Virus Hanta từ chuột cống nâu cũng khiến dư luận quan tâm khi một con chuột cắn người đàn ông ở quận 3, TP HCM, khiến người này suy thận cấp. Sau khi bị chuột cắn vào chân, người này sốt kéo dài rồi suy thận. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, người bệnh này được xác định dương tính với virus Hanta từ chuột.
Lấy mẫu chuột trên địa bàn TP HCM xét nghiệm, Viện Pasteur phát hiện 3 mẫu chuột cống lông nâu dương tính với virus gây bệnh. Công tác diệt chuột trên diện rộng đang được tiến hành. Các bác sĩ khuyên người dân không nên để chuột cắn, tránh tiếp xúc với nước tiểu chuột.
Trong khi đó suốt năm qua kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các địa phương từ TP HCM, Huế, ra Hà Nội... Không gây tử vong, chỉ làm viêm loét da, nhưng kiến ba khoang lại trở thành nỗi lo lắng của nhiều người dân, đặc biệt là dân chung cư. Chúng có tên khoa học là Rove Bettle, trong nọc kiến có độc chất gây ngứa lở da khi tiếp xúc. Hàng trăm người đã bị ngứa lở da do tiếp xúc nọc độc kiến ba khoang.
3. Ca sinh tư hiếm gặp:
|
Ảnh: Thiên Chương. |
Bốn bé gái lần lượt được đưa ra khỏi bụng mẹ với cân nặng 1,5 kg, 1,2 kg, 1,6 kg và 1,7 kg. Các bé phát triển tốt, sức khỏe ổn định. Theo các bác sĩ, đây là ca tứ thai hiếm gặp, phải 700.000 trường hợp mới có một ca. Tại Bệnh viện Từ Dũ, năm 2006 cũng có một trường hợp sinh bốn và hiện các bé này đều khỏe mạnh.
Bác sĩ, bệnh viện thở phào vì bốn cháu đều khỏe mạnh, riêng người mẹ thì lại thêm nỗi lo mới vì "không biết lấy tiền đâu để nuôi các con".
4. Áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ:
|
Áo ngực xuất xứ Trung Quốc có chứa "thuốc" lạ. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Cuối tháng 10, cơ quan chức năng Đà Nẵng, Quảng Nam thu giữ nhiều áo ngực Trung Quốc chứa một dung dịch màu trắng và viên thuốc lạ. Tiếp theo đó, liên tục nhiều thành phố khác như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP HCM, Phú Yên... cũng hàng chục nghìn sản phẩm tương tự.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu của các đơn vị khác nhau đều cho thấy các hạt tròn màu trắng trong các túi dung dịch không màu là nhựa PS (Polystyrene Composit). Dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo là dầu khoáng (Mineral seal Oil).
Kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự cho thấy cả hai thành phần này đều không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Hóa học lại phát hiện thêm thành phần polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) - hợp chất có thể gây ung thư, hàm lượng thấp hơn nhiều so với giới hạn.
5. Rộ tin đồn đỉa trong sữa, mì tôm:
|
Thông tin trong sữa, bánh kẹo có đỉa xuất hiện khá nhiều trên các trang diễn đàn, blog.... Ảnh chụp màn hình |
Tin có đỉa trong sữa khiến nhiều nhà sản xuất sữa bị ảnh hưởng phải lên tiếng cải chính. Trên các diễn đàn và mạng xã hội rộ thông tin thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua đỉa với giá 10.000 đồng một con, rồi cán nhỏ cho vào thực phẩm và thức ăn cho người.
Ngày 24/9, Hiệp hội Sữa Việt Nam ra thông cáo khẳng định những thông tin này là tin đồn thất thiệt. Theo đó, đỉa không thể nào sống trong môi trường ngọt, đậm đặc và được đóng kín như sữa. Kết quả xét nghiệm sản phẩm nghi là có đĩa cũng không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng hay đỉa.
Tin đồn có đỉa trong sữa sau đó lan sang những thực phẩm khác như snack, mì gói... Các nhà sản xuất cũng lên tiếng bác bỏ.
6. Liên tiếp xảy ra tai biến sản khoa:
|
Quảng Ngãi là nơi xảy ra nhiều tai biến sản khoa nhất cả nước trong năm. Ảnh: N.D |
Chưa có năm nào những tai biến sản khoa lại được nhắc đến nhiều như năm 2012. Từ cuối tháng 4, liên tiếp các vụ tử vong mẹ, con xảy ra tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM... khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng của bác sĩ sản, đặc biệt tại tuyến huyện.
Địa phương nổi cộm lên như một điểm nóng là Quảng Ngãi. Từ tháng 4 đến nay nơi đây xảy ra 19 vụ tai biến sản khoa làm 7 em bé sơ sinh và 3 sản phụ tử vong. Hội đồng kỷ luật của Sở Y tế đã xem xét, xử lý 7 y, bác sĩ liên quan đến các vụ tai biến sản khoa, trong đó có cả trưởng và phó khoa sản bệnh viện. Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cũng đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) điều động 2 bác sĩ sản khoa giỏi đến Quảng Ngãi hỗ trợ.
Một hội thảo riêng về tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi được tổ chức mới đây để tìm giải pháp. Nguyên nhân chính được cho là do quá tải bệnh nhân. Một kíp trực tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi gồm 2 bác sĩ và 4 nữ hộ sinh, trong vòng 24 giờ phải mổ đẻ 20-30 ca và đỡ cho 40 trường hợp sinh tự nhiên.