Theo các chuyên gia hiện chưa có máy diệt muỗi chuyên dụng, các loại máy đuổi muỗi được quảng cáo chỉ là... lý thuyết. Việc lạm dụng các hóa chất diệt muỗi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Máy đuổi muỗi bằng sóng âm: không có tác dụng
TS Nguyễn Công Tảo, Trưởng khoa Xử lý dịch bệnh Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, hiện chưa có thiết bị diệt muỗi chuyên dụng. Thiết bị đuổi muỗi được quảng cáo trên thị trường sử dụng các bước sóng âm nhằm mục đích làm cho muỗi bị hoảng sợ.
Với các máy này, thiết bị cảm biến sau khi cắm điện sẽ chuyển đổi thành sóng âm, lúc này sóng sẽ được truyền qua không khí và phân tán khắp quanh nhà. Sóng âm này có thể xuyên qua tường như sóng radio, gây hoảng loạn cho động vật. Tuy nhiên, những tác dụng này chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế từ trước đến nay chưa có một loại máy chuyên dụng diệt được muỗi. Mặt khác, sóng điện từ thấp thì không sao chứ tần số cao có thể tác động không tốt đến hệ thần kinh người, nhất là đối với trẻ em, phụ nữ có thai.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hoá điện hoá, hiện vẫn chưa có nghiên cứu rõ ràng nào về việc ảnh hưởng đến sức khỏe người của sóng điện từ để đuổi muỗi; cũng chưa có một cơ quan nào kiểm định tác dụng của các loại máy này. Nhưng ở nhiều nước tiên tiến, ngay cả Trung Quốc, họ cũng không dùng loại máy này.
TS Nguyễn Công Tảo cho biết, muỗi là loại hướng quang, thích tìm đến nơi có ánh sáng nên mọi người có thể sử dụng đèn bắt muỗi. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng hạn chế muỗi bằng cách "dụ" muỗi bay tới, còn để diệt muỗi cần có tấm lưới điện mỏng bao bọc phía ngoài để khi muỗi bị hút tới sẽ chạm vào lớp mạch điện này và bị đốt cháy. "Thực ra nó giống như vợt muỗi, nhưng khi dùng nên treo cao mới có tác dụng", TS Khải cho biết thêm.
Nhà sạch diệt 70% muỗi
TS Nguyễn Công Tảo cho biết, muỗi bùng phát có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là do môi trường. Ao tù, nước đọng, các phế liệu... là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi. Thời tiết nóng ẩm hiện nay cũng thuận lợi cho muỗi phát triển.
Để diệt muỗi hiệu quả, mọi người cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ những nơi muỗi có thể trú ngụ. Vệ sinh môi trường sạch có thể diệt muỗi 70%. Nước là môi trường để muỗi đẻ trứng. Các chum, vại để nước nếu không cọ rửa mà chỉ đổ nước không thôi thì trứng vẫn bám vào và khi gặp môi trường nước thì tiếp tục sinh sôi.
Về mặt sinh học, người dân có thể áp dụng phương pháp thả cá vào bể nước để cá ăn bọ gậy, thay nước thường xuyên rồi cọ rửa để diệt nơi trứng muỗi sinh sôi. Thùng nước phải có nắp đậy. Cần loại bỏ các vật dụng có thể là nơi trú ngụ của muỗi như lọ hoa, cây phát lộc, bát nước, phi vại, các phế liệu bị vỡ... Các hố ga thì rắc vôi bột. Nếu có điều kiện nên lắp các thiết bị cửa lưới chống muỗi.
TS Tạo cũng cho biết, hiện nay rất nhiều người lạm dụng phun hóa chất diệt muỗi. Phun hóa chất chỉ được chỉ định phun khi có dịch như viêm não, sốt xuất huyết... Phun hóa chất không diệt được muỗi hoàn toàn vì trứng muỗi, bọ gậy vẫn đẻ trong môi trường bẩn. Hóa chất nào cũng có chất độc hại, ngay cả những hoá chất diệt côn trùng được cấp chứng nhận về độ an toàn thì việc thường xuyên tiếp xúc cũng không có lợi cho sức khỏe.
Việc dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài... sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng hóa chất. Ngoài ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe như dị ứng, da liễu, mũi họng, ung thư...
Những loại thuốc xịt muỗi không đảm bảo chất lượng chỉ làm muỗi ngã gục một thời gian chứ không thể chết. Vì vậy, nếu sử dụng thuốc xịt muỗi thì sau khi xịt cần quét và gom lại để đốt, tránh tình trạng muỗi sống lại và bay đi. Ngoài ra, không nên lạm dụng thuốc chống muỗi, diệt muỗi dưới dạng kem bôi hay xịt trực tiếp lên da vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến da.