Tự ý điều trị làm tổn thương sâu hơn
Thống kê tại BV Da liễu Trung ương và BV Da liễu Hà Nội, trung bình mỗi ngày có từ 40- 50 bệnh nhân bị giời leo (hay còn gọi là viêm da do tiếp xúc với côn trùng) đến khám. Tất cả các trường hợp đều có biểu hiện bằng các đám đỏ, có các mụn nước và phỏng nước, ở giữa có một vùng hơi lõm, thậm chí hoại tử kéo dài thành vệt dài 3 – 10cm ở mặt, cổ, đùi, hai cánh tay... ảnh hưởng nặng đến thẩm mỹ. Bệnh nhân có cảm giác nóng rát tại chỗ, ngứa. Có trường hợp bị nhiễm trùng gây phát sốt.
Theo BS. Đinh Doãn Thạch, bệnh giời leo là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng khi tiếp xúc trực tiếp với da. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, tăng nhiều vào tháng 7 – 10 vì đây là mùa mưa, khí hậu nóng ẩm. Mưa làm ngập ruộng nên các côn trùng ở bờ ruộng, ở các thân cây bay vào nhà theo ánh đèn tiếp xúc với người gây bệnh. Côn trùng thường bám trên người gây rát bỏng ở những vùng da bị tiếp xúc, đặc biệt là ở những vùng da mỏng như mặt, cổ, tay chân. Nguy hiểm nhất là tổn thương ở vùng mắt, nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách có thể ảnh hưởng đến thị lực, sẹo giác mạc. Nặng hơn, có thể bị tăng nhãn áp về sau dẫn đến mù loà.
“Đa số bệnh nhân là những người làm việc dưới ánh đèn, phần lớn họ đều phát hiện các tổn thương trên da đầu tiên vào buổi sáng. Đáng lo ngại, vì nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh giời leo nên nhiều người tự mua thuốc điều trị. Cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 4 người tự ý sử dụng thuốc sai. Điều này làm tổn thương da sâu hơn, gây phù nề khiến việc điều trị càng phức tạp. Lúc này, bệnh nhân ngoài bôi thuốc phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng do tổn thương lan rộng, nổi mủ” – BS Thạch nói.
BS Lê Quang Lộc – nguyên Trưởng khoa Da liễu (BV Xanh Pôn) cho biết, cách phân biệt bệnh giời leo với zona thần kinh không khó nếu để ý kỹ các triệu chứng. Khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng thường ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc với côn trùng, sau đó thì đỏ, phồng rộp lên. Còn với bệnh zona thần kinh là do virus, cảm giác đau nhiều hơn rát, đau giật theo đường dây thần kinh ngoại biên. Giời leo có thể gặp bất kỳ tại vùng da nào trên cơ thể, zona là những vệt tấy đỏ viêm da chạy dọc kéo dài theo dây thần kinh trên cơ thể như dọc cánh tay, dọc thân sườn... Thường tổn thương chỉ ở một bên nửa cơ thể, bên phải hoặc bên trái. Bệnh zona khi bị một lần thường không bị lại nhưng với giời leo thì trong một mùa hè, bệnh nhân có thể bị đi bị lại 3 – 4 lần.
|
Vết tổn thương ở cổ do giời leo tấn công.
|
Điều trị bằng cách nào?
BS. Lê Quang Lộc cho biết, khi bị viêm da do côn trùng, người bệnh không nên tùy tiện mua thuốc về bôi, cũng không nên gãi mạnh chỗ bị tổn thương. Ngay sau khi xuất hiện đỏ và ngứa da, cần phải rửa bằng nước sạch hoặc nước muối 0,9% để làm sạch chất gây viêm da từ côn trùng. Không dùng nước xà phòng rửa vì sẽ làm tăng kích ứng da. Đặc biệt, tuyệt đối không bôi các loại thuốc mỡ vào chỗ tổn thương. Nó sẽ làm tăng bám bụi, ứ đọng dịch tiết phù nề khiến bệnh dễ lây lan hơn. Nên bôi bằng hồ nước hoặc thuốc màu, tốt nhất là thuốc màu xanh. Để tránh lây lan, người bệnh nên tránh sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác hoặc người khác vì chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm sẽ bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh.
Một quan niệm sai lầm mà nhiều người cho rằng cần phải kiêng nước nên ngại tắm rửa. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được tắm sạch sẽ, vệ sinh kỹ lưỡng bởi nếu không tắm, chất tiết côn trùng vẫn còn trên da sẽ gây nguy hiểm. Khi tắm mọi người cần phải giữ ấm và tắm nước nóng vì sức đề kháng giảm. Tránh hoạt động mạnh, nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có điều kiện chống lại vi khuẩn.
BS Thạch cho hay, nếu điều trị đúng cách, bệnh giời leo thường khỏi nhanh trong 3 - 7 ngày. Mọi người nên dùng các dung dịch làm dịu da như kem kẽm, dung dịch jarish bôi, đắp ngày 2 – 3 lần; có thể thay bằng nước lá khế đun sôi để nguội, hồ nước bôi ngày 2 – 3 lần. Khi có nhiễm khuẩn nên dùng các dung dịch sát khuẩn, mỡ kháng sinh như: Samicason, Begendrem,… Điều trị toàn thân bằng thuốc kháng histamin như: Cetrizin, Loratadin…; thuốc giảm đau khi đau nhiều, có thể dùng Paracetamol, hỗn hợp thần kinh… Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hoặc nhai gạo nếp, đỗ xanh đắp vào vết phù nề có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo sau này.
Để phòng viêm da tiếp xúc do côn trùng, BS Đinh Doãn Thạch khuyến cáo:
- Khi làm việc dưới ánh đèn cần chú ý tránh phản xạ đập, miết, gãi cào khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, vào mặt. Vì chất tiết của côn trùng dễ dính vào người gây bệnh.
- Người dân nên chống dịch bằng cách lắp các tấm lưới chống côn trùng vào nhà hoặc khi côn trùng đã vào nhà thì nên tắt điện để chúng tự bay ra.
- Khi rửa mặt, tắm giặt cần giặt sạch khăn mặt hoặc giũ quần áo trước khi mặc, tránh sát miết côn trùng lên da.
- Trước khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ phòng ngủ, màn, chăn, chiếu xem có côn trùng không.
- Khi đã mắc viêm da tiếp xúc do côn trùng, người bệnh nên chăm sóc vùng da bị viêm bằng những dụng cụ riêng, tránh lây lan sang các vùng da khác. Nên kiêng các chất kích thích như bia, rượu và thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua…
- Khi bắt đầu cảm thấy rát nóng ở vùng da nào đó có thể chấm dung dịch nước muối, nước vôi để ngăn chặn hình thành phỏng nước, phỏng mủ. Sau đó, nên đến các phòng khám chuyên khoa da liễu để được khám, điều trị kịp thời tránh các biến chứng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
|
Phương Thuận