Các chuyên gia về côn trùng đã đưa ra cảnh báo, từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là thời kỳ sinh sản đỉnh điểm của bọ xít hút máu người. Do vậy, người dân cần cảnh giác và lưu ý một số biện pháp phòng chống.
Bọ xít hút máu vào mùa
Ông Lam cho hay, cách đây ba ngày (ngày 16/7), Viện có nhận được thông tin một nam thanh niên tại Trương Định nghi ngờ bị bọ xít đốt. Qua khám xét khu vực của bệnh nhân trên, các cán bộ của Viện đã bắt được 14 cá thể bọ xít còn non trong buồng tắm.
[Bọ xít hút máu người phát tán tại 20 tỉnh ở Việt Nam]
Cũng vào đầu tháng Bảy vừa qua, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam nhập viện do bọ xít hút máu người cắn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngứa toàn thân, tụt huyết áp, choáng váng. Sau đó, người nhà tìm thấy trong phòng của bệnh nhân đó có bọ xít hút máu.
Những chấm đỏ trên hình ghi nhận có mặt của loài bọ xít hút máu tại Hà Nội. (Nguồn: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật)
Phó giáo sư Trương Xuân Lam, cho biết, tại Việt Nam, bọ xít hút máu người đã tồn tại từ rất lâu nhưng mới được phát hiện từ năm 2011. Sự xuất hiện ồ ạt của loài sinh vật này, đặc biệt nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế… khiến nhiều người dân lo ngại về khả năng bị đốt và nhiễm bệnh từ bọ xít hút máu người.
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã tiến hành điều tra, thu mẫu về bọ xít hút máu người trong 3 năm (từ 2010-2012), tại thủ đô Hà Nội. Kết quả cho thấy, ở Hà Nội đã ghi nhận (cả mẫu sống và mẫu bị giết chết do dân cung cấp) có 121 điểm thuộc 21 quận/huyện (chiếm 72% tổng số quận huyện) có mặt của bọ xít hút máu.
“Điều tra, thu mẫu và ghi nhận ở 14 quận, huyện thuộc Hà Nội trong 3 năm 2010, 2011 và 2012, kết quả phân tích cho thấy loài bọ xít hút máu này thường được ghi nhận xuất hiện từ tháng 3 hàng năm và mức độ cao nhất là vào tháng 7, 8 và 9; ghi nhận thấp vào tháng 4, 5, 6, 10, 11 và không thấy xuất hiện trong tháng 12, 1 và 2,” ông Lam phân tích.
Theo phó giáo sư Lam, loài bọ xít hút máu người sống bằng máu người hoặc động vật. Chúng không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Một năm bọ xít chỉ cần hút máu từ một đến ba lần là có thể sống sót suốt vòng đời. Đối tượng bọ xít hút máu người phần lớn là trẻ em.
Phân tích về sự sinh sản của loài bọ xít này, tiến sỹ Phạm Thị Khoa – Trưởng khoa hóa thực nghiệm, Viện sốt rét-ký sinh trùng côn trùng trung ương dẫn chứng, bà bắt được 1 con bọ xít hút máu và đưa về nghiên cứu. Sau 7 tháng, con bọ xít trên đã đẻ ra 327 con sau khi nó chết. Một năm chúng đẻ liên tục, nhất là vào mùa Hè.
Ẩn nấp chủ yếu trong phòng ngủ
Nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khi xem xét các vị trí trong nhà bao gồm: Giường ngủ, các đồ đạc khác trong phòng ngủ và các phòng khác (phòng khách, phòng ăn, phòng để đồ...) thì tỷ lệ ghi nhận sự có mặt loài bọ xít hút máu ở các đồ đạc khác trong phòng ngủ là cao nhất (chiếm 53%), tiếp đến là ở trên giường ngủ (30%) và tỷ lệ thấp nhất là các vị trí khác trong phòng (17%).
Ông Lam cho hay: "Bọ xít hút máu để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà và di chuyển đến sống ở gần người và ẩn nấp trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là các khe kẽ của gường ở phòng ngủ. Ban ngày chúng lẩn trốn, ban đêm bọ xít bò ra đốt và hút máu con người. Bọ xít hút máu khi ở gần người luôn chủ động tấn công con người, đốt và chích hút máu vì chúng luôn luôn cần thức ăn cho sự sinh sản và phát triển."
Bọ xít hút máu người. (Nguồn: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật)
Phân tích về sự nguy hiểm của bọ xít hút máu, Giáo sư Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho hay, bọ xít hút máu là thủ phạm gây ra bệnh kí sinh trùng tại khu vực Mỹ Latinh. Bệnh dịch này sau đó được phát tán ra khỏi khu vực này từ nhiều thế kỷ trước và âm thầm phát tán trên toàn thế giới.
Giáo sư Côn cũng cho biết, bọ xít hút máu người gây rối loạn nhịp tim, rối loạn mạch máu, suy kiệt sức khỏe. Nhưng có truyền bệnh hay không thì cần phải nghiên cứu, bởi các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người.
Qua nhiều nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, các vết đốt của bọ xít hút máu biểu hiện rất khác nhau. Một người bị đốt có thể có nhiều vết đốt do 1 cá thể bọ xít hút máu gây ra, đặc biệt có người bị đến 10 vết đốt. Các vết đốt có thể cách rời hoặc rất gần nhau, thường có màu đỏ rất dễ phát hiện và to hơn vết muỗi đốt hoặc màu sẫm nối liền nhau.
Theo các chuyên gia về côn trùng học, sau khi bọ xít đốt và hút máu thì tại các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng nhỏ hoặc to hoặc sưng tấy và rất rễ lan rộng ra xung quanh, có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ. Điều đáng chú ý là hiện tượng ngứa ở các vết đốt nhất là các vết đốt có đường kính rộng khoảng 5-10 mm. Một số người có mẫn cảm với vết đốt của côn trùng thì có thể bị sốt (nhất trẻ em). Trong nhiều trường hợp vết đốt ở chân hoặc tay có thể dẫn tới hiện tượng không cử dộng được do vết đốt sưng to và phù nề rộng. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân.
Vì vậy, việc các gia đình có kiến thức về loài côn trùng này để biết cách phòng tránh là điều cần thiết.
Phó giáo sư Lam khuyến cáo, người dân khi phát hiện bọ xít, tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho chúng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Trong trường hợp người dân bị bọ xít hút máu cắn, nên rửa ngay vết cắn bằng xà phòng, không gãi để tránh gây xước, viêm nhiễm, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, nơi ở... để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán. Đặc biệt, ở những gia đình, vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì người dân nên ngủ màn cẩn thận./.
Bọ xít hút máu thường ẩn náu khe tường, sàn gỗ, gác xép, gầm giường, dưới nệm... Bọ xít hút máu dài khoảng 1-3,5cm, bụng rộng và dẹp, rìa thân có sọc màu vàng, thân màu nâu đặc trưng.
Trứng bọ xít hút máu kích thước khoảng 1-1,5mm, màu trắng ngà.