Những vết cắn của côn trùng thường khiến làn da mỏng manh của bé sưng đỏ, viêm tấy... Đây cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, phòng và trị muỗi đốt cho con là mối quan tâm của rất nhiều cha mẹ.
- Khi trẻ bị muỗi đốt, theo thói quen, ông bà, cha mẹ thường xoa dầu, có khi cả kem đánh răng. Xin bác sĩ cho ý kiến về những phương pháp "truyền thống" này?
- Một số phụ huynh có thói quen sử dụng các biện pháp "truyền miệng" như bôi dầu, nghệ, nước cốt chanh… lên vùng da bị côn trùng cắn. Các thành phần này tuy có tác dụng diệt khuẩn, phòng tránh nhiễm trùng và giảm ngứa tạm thời bên ngoài nhưng không thể điều trị tình trạng viêm tấy, sưng đỏ do độc chất của côn trùng xâm nhập vào bên trong da. Ngoài ra, trẻ em khi ngứa thường có thói quen gãi, gây trầy xước da, nếu thoa các hoạt chất này, da có thể bị kích ứng và tổn thương sâu hơn, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tại vùng da đó.
- Vậy theo bác sĩ, khi trẻ bị côn trùng cắn, người lớn cần xử lý như thế nào?
- Khi trẻ bị muỗi, côn trùng cắn, cha mẹ cần xử lý như sau: trước tiên, không cho trẻ gãi vào vết cắn. Kế đến, người lớn lấy đá lạnh chườm hoặc rửa và đắp thuốc tím pha thật loãng vào chỗ cắn để làm chậm quá trình hấp thụ, giảm hoạt tính của độc tố. Sau cùng, bạn hãy thoa thuốc chống ngứa hoặc kháng khuẩn. Trong trường hợp độc tố của côn trùng mạnh có thể gây phản ứng sốc, cha mẹ cần đưa con nhập viện gấp để bác sĩ theo dõi và điều trị.
- Một số bé khi bị muỗi đốt hay kiến cắn thì sưng đỏ tấy, nổi mụn nước tại vùng da đó và rất ngứa. Vết đốt đó rất lâu mới liền và hay để lại sẹo thâm đen. Xin bác sĩ tư vấn cách điều trị tình trạng này?
- Khi bị côn trùng đốt, nếu trong nọc đốt của côn trùng có acid, độc tố có thể gây tổn thương tại vết đốt. Cơ thể của trẻ (tại nơi bị đốt) có thể phản ứng với độc tố của côn trùng, gây nổi mụn nước, tiết dịch, đó là thương tổn thường thấy của viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, làn da của bé quá mẫn cảm nên có thể gây tổn thương da nhiều hơn, vết thương lâu lành hơn và dễ để lại sẹo thâm sau viêm.
Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên thoa ngay cho bé các loại thuốc giúp giảm triệu chứng ngứa nhanh chóng, kháng viêm, kích thích tạo mô làm lành vết thương và hạn chế tối đa nguy cơ hình thành sẹo thâm sau viêm. Tốt nhất, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ da liễu để được khám và điều trị một cách thích hợp.
- Một số mẹ sử dụng thuốc xoa ngoài da cho bé mỗi khi bị côn trùng cắn khá hiệu quả, song trong thành phần thuốc có chứa một loại corticoide nên còn nhiều băn khoăn. Vậy, làm thế nào để điều trị nốt muỗi cắn an toàn cho trẻ, thưa bác sĩ?
- Corticoide là một nhóm thuốc có hiệu lực mạnh trong điều trị các tình trạng viêm da. Thuốc mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng cũng có những tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng chỉ định, đúng cách, đúng thời gian. Corticoide được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Hiện nay một số sản phẩm chứa corticoide được điều chế thành công với công thức cải tiến Antedrug, ví dụ như Prednisolone Valerate Acetate có hoạt tính của Antedrug.
Hoạt chất được xếp vào loại Antedrug nếu nó chỉ có tác dụng ngay tại vùng da cần điều trị, sau khi phát huy hết tác dụng sẽ thâm nhập vào hệ tuần hoàn và chuyển hóa thành dạng bất hoạt tính, vì thế giảm tối đa tác dụng phụ so với các corticoide thông thường, trong khi hiệu quả kháng viêm không thay đổi. Antedrug được sử dụng ở vùng da mỏng ở các nếp và kẽ, được chọn lựa cho vùng da non nớt của trẻ em.
Để ngừa con bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Kiểm tra quần áo, khăn trước khi mặc, rửa mặt; kiểm tra giường chiếu trước khi ngủ.
- Chú ý tránh đưa con vào những nơi có bụi rậm, vườn trái cây.
- Có thể dùng các thuốc xịt chống muỗi thoa lên khắp người để chống muỗi và các côn trùng khác, không để thuốc dính vào mắt.
- Nếu bị côn trùng cắn, cần xử lý vết thương càng sớm càng tốt, trong vòng 6 giờ sau khi bị côn trùng cắn, để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Trường hợp nặng cần đưa trẻ đến khám bác sĩ da liễu khám và điều trị kịp thời.
|
Ngọc Bích