Cách đây 5 năm, gia đình ông Niranjan Lal Pathak (70 tuổi, bị bệnh tim) vui mừng không thể tả khi nghe bác sĩ nói ông sẽ được chữa trị hoàn toàn miễn phí ở Bệnh viện Maharaja Yashwantrao, thành phố Indore, theo AFP ngày 7.7.
“Bác sĩ tư vấn với chúng tôi rằng chú của tôi sẽ được chữa trị miễn phí trong một dự án y khoa đặc biệt. Chúng tôi không phải trả bất kỳ chi phí nào”, Alok Pathak - cháu trai của ông Lal Pathak cho biết.
Khi ấy không một ai trong gia đình ông Lal Pathak biết mình bị "dụ dỗ" tham gia một chương trình thử nghiệm thuốc Atopaxar của hãng dược Eisai.
Hậu quả, sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, ông Pathak mắc bệnh mất trí, vì những tác dụng phụ của thuốc Atopaxar, theo AFP.
Ông Pathak chỉ là một trong số nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo bị lừa với chiêu bài “chữa bệnh miễn phí 100%” để rồi ký vào các bản thỏa thuận thử nghiệm thuốc trên người trái phép.
Theo tổ chức Swasthya Adhikaar Manch, trong những trường hợp khác, các hãng dược cấu kết với bác sĩ Ấn Độ bí mật kê toa thuốc thử nghiệm cho bệnh nhân nghèo uống mà không hề báo cho họ biết.
Vì thế, nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo Ấn Độ, bị lừa uống thuốc thử nghiệm, đi chữa một bệnh, nhưng cuối cùng lại mắc thêm nhiều bệnh khác.
Một con chuột bạch bị chích thuốc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở Mỹ
|
Theo AFP, thử nghiệm thuốc trên người là một công đoạn bắt buộc đối với một sản phẩm dược trước khi được tung ra thị trường. Đây là một công đoạn đầy tốn kém đối với các hãng dược.
AFP dẫn một báo cáo của chính phủ Ấn Độ năm 2012 cho thấy các hãng dược tiết kiệm 60% chi phí cho công đoạn thử nghiệm thuốc trên người nếu thực hiện tại Ấn Độ, so với thực hiện tại các nước phát triển.
Ông Amulya Nidhi, nhà hoạt động vì quyền bệnh nhân nghèo ở Ấn Độ, cho AFP biết: “Ở châu Âu và Mỹ, luật rất nghiêm ngặt. Nhưng ở Ấn Độ, luật về thử nghiệm thuốc trên người không nghiêm, cũng không rõ ràng nên dễ bị những hãng dược và các bác sĩ lợi dụng”.
Chẳng hạn, ở bang Madhya Pradesh, hồi nằm 2012, 12 bác sĩ bị phát hiện lừa bệnh nhân nghèo, trong đó có trẻ em và người tàn tật, tham gia thử thuốc trái phép, nhưng mỗi bác sĩ chỉ bị phạt 5.000 rupee (92 USD), theo ông Amulya Nidhi.
Hồi năm 2004, một vụ bê bối thử thuốc trên người trái phép, cũng tại bang Madhya Pradesh, từng làm chấn động dư luận Ấn Độ. Các nạn nhân vụ thảm họa rò rỉ khí gas ở thành phố Bhopal đã bị đem ra thử thuốc mà không hề hay biết.
Phúc Duy