Home » News » “Trang trại” chuột giữa thủ đô
“Trang trại” chuột giữa thủ đô
02/01/2013 10:11

Cao điểm, mỗi tuần họ đã cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc hàng nghìn “chú” chuột bạch. Có lẽ đây là “trang trại” chuột lớn nhất cả nước.

Dòng họ “hiến thân” cho khoa học đông đảo nhất

Khó có thể hình dung nổi, giữa Hà thành, tọa lạc ở số 1 phố Yersin, một con phố xếp vào “hàng đẹp” của thủ đô lại có một “trang trại chuột”. Gọi là trang trại vì tôi quá ấn tượng với “gia đình” họ nhà chuột ở đây, chứ nơi nuôi động vật này có tên gắn liền với công việc nghiên cứu khoa học: Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất động vật thí nghiệm chẩn thức (Viện Vệ sinh dịch tễ, Bộ Y tế). Chỉ lướt qua một vài con số, mọi người cũng thấy “độ khủng” của trung tâm này. Cách đây gần 30 năm, những con chuột đầu tiên được chị Hoàng Minh Tuyết mang từ Pháp về. Từ mấy chục con đầu tiên, đến nay nơi đây đã trở thành trung tâm nuôi chuột lớn nhất nước, với 15.000 con giống bố, mẹ, còn chuột con thì vô kể, tùy từng thời điểm khác nhau. Các nhân viên, kỹ thuật viên của trung tâm cho lai tạo, ghép giống, tạo ra nhiều dòng khác nhau. Toàn trung tâm có diện tích khoảng 1.000m2 thì có tới 3/4 là dành để làm “nhà ở” cho các “chú tý”, phần còn lại đặt máy móc, tạo nước uống và sản xuất thức ăn cho chúng.

Tất cả đều phục vụ… chuột

Nhiều người ví đây là “khách sạn 5 sao” dành cho “gia đình nhà tý”. Tất cả máy móc, con người chỉ có duy nhất một việc là phục vụ… chuột. Tôi đồ rằng, nếu đứng ở ngoài quan sát thì không ai đoán được đây là nơi nuôi chuột, vì nó giống một nhà máy có quy mô nhỏ hơn là nơi sinh, sống của loài chuột. Thoáng qua, khu vực này được chia làm ba bộ phận, ngôi nhà dài nằm ở chính giữa, hai bên có hai nhà nhỏ, với hai cỗ máy kềnh càng, chạy ầm ỳ. Gần chục nhân viên mặc trang phục màu xanh nhạt, đeo khẩu trang đang kỳ cọ, rửa những hộp nhựa vuông xinh xắn. Những chiếc hộp này được dùng để bỏ trấu vào làm ổ cho chuột. Hai cỗ máy to đùng, nằm hai bên hông ngôi nhà chính, một máy chuyên lọc nước uống, một máy chuyên sản xuất thức ăn cho các “chú tý”.

Trang trại chuột giữa thủ đô

Trái với vẻ hào nhoáng, hiện đại bên ngoài, vào trong nhà mới thấy được môi trường làm việc khắc nghiệt của trung tâm. Chị Vũ Thị Vương, trưởng trung tâm chào đón chúng tôi bằng một sự ái ngại, lo lắng: “Vào trong đó, không biết nhà báo có chịu được không, mùi rất khó chịu”. Đây chính là khu vực an cư của “gia đình họ tý”. Một loại mùi rất đặc trưng sộc vào mũi tôi khi cánh cửa phòng mở ra. Tôi gọi là mùi đặc trưng vì lẽ nó là tổng hợp của tất cả các loại mùi khó ngửi. Nhưng một nhân viên đang chăm sóc đàn chuột cho hay: “Chúng em vừa thay lồng, chuồng nên mùi cũng đỡ khó chịu rồi. Vào mùa hè mà người lạ vào, chắc chắn sẽ không chịu nổi”.

Các “chú tý” được đặt trong chiếc ổ bằng nhựa lót trấu, xếp thành tầng, đặt trên các tấm kệ có bánh xe. Tuy cực kỳ ghét và sợ chuột, nhưng khi chị Vương kéo chiếc hộp nhựa ra thì tôi lại có một cảm giác hoàn toàn khác. Các “chú tý” trông thật đáng yêu. Màu trắng muốt của loài chuột bạch khiến tôi rất ấn tượng. Nhìn cách bày biện, những mẩu giấy nhỏ ghi một cách cẩn thận, dòng giống từng loại, dán trên từng chiếc hộp, phần nào tôi cảm nhận được sự nâng niu, chăm sóc của các nhân viên ở đây đối với “họ nhà tý”. Cứ lần lượt, lần lượt, tôi đi hết 15 phòng, nơi “nghỉ ngơi” của hàng vạn chú chuột. Tất cả chuột ở đây đều có “giấy khai sinh, lý lịch” về các ông bố, bà mẹ của mình.

Để có nước cho chuột dùng, các nhân viên phải lấy nước máy sạch, lọc qua máy chuyên dụng, sau khi lọc xong phải pha, chỉnh độ pH sao cho phù hợp. Thức ăn phải dùng ngô, bột tương, bột cá, dầu ăn Tường An… trộn vào nhau, đảm bảo có đủ các thành phần chất đạm, chất xơ, khoáng… Nhiệt độ trong phòng nuôi luôn luôn duy trì ở mức 22-25 độ C. Mỗi tuần phải thay lồng, chuồng hai lần, đảm bảo “ngôi nhà của chuột” luôn sạch và khô ráo… 18 cán bộ, nhân viên của trung tâm, mỗi người được phân công đảm trách một khâu chăm sóc. Ở trung tâm này, trưởng trung tâm, nhân viên hay kỹ thuật viên chỉ là các chức danh khác nhau thôi, chứ tất cả đều có một nhiệm vụ chung là chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của các chú chuột. Chị Vương phì cười khi tôi đặt câu hỏi: “Chị có hay vào thăm các ổ chuột?”. Thay vì trả lời, chị đáp lại một cách ngắn gọn: “Nuôi chuột mà không vào thì ai gọi là nuôi”. Chị Vương là một trong những người ghép đôi cho “họ nhà tý”. Cho đến nay, chị đã làm công việc này được hơn hai chục năm. Và trong hơn hai chục năm gắn bó với đàn chuột, chị Vương không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu năm phải đón Tết cùng với chúng. Chị cho biết: “Tết, mọi người được nghỉ với gia đình, còn bọn tôi thường thì năm nào cũng phải đi làm từ ngày mùng 2 Tết, nhiều khi phải làm cả ngày 30 và mùng 1 Tết. Đã vào dịp ghép đôi thì không phân biệt ngày nghỉ hay ngày thường, mọi người đều phải đến nhà chuột”.

Những chú chuột ra đi…

Người có thâm niên gắn bó với “họ nhà tý” lâu năm nhất ở trung tâm là chị Nguyễn Thị Khánh. Chị vào làm tại đây từ năm 1983. Chị Khánh nói đùa: “Nuôi chuột thôi nhưng tớ phải học, tốt nghiệp ở nước ngoài về đấy”. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư chăn nuôi ở nước ngoài về, có một thời gian chị làm việc ở Viện Chăn nuôi rồi chuyển hẳn về trung tâm. Chị thổ lộå: “Mình nghĩ làm nghề gì thì cũng phải yêu nó thì mới trụ lâu được. Chúng tôi nuôi chuột cũng vậy, phải yêu nó thì mới gắn bó được. Nếu bỏ công việc này, cũng có thể tôi sẽ tìm được việc tốt hơn. Lâu ngày, gắn với mùi đặc trưng của công việc cũng quen. Nhiều khi không đến cơ quan là thấy nhớ mọi người, nhớ cả những con chuột trắng”. Thành công trong việc sản xuất vắc-xin viêm não trẻ em của nước ta, phần nào có dấu ấn của trung tâm. Những con chuột đầu tiên được dùng để sản xuất vắc-xin viêm não trẻ em thí nghiệm đều được lấy từ trung tâm. Sau này sản xuất vắc-xin viêm não trẻ em thành công, trung tâm tiếp tục cung cấp chuột, phục vụ công tác này. Nói đến đây, chị Khánh hồ hởi: “Những đợt cao điểm, mỗi tuần chúng tôi giao khoảng 10.000 con chuột bạch, phục vụ công tác sản xuất vắc-xin viêm não trẻ em. Nếu không thực sự tâm huyết, chắc không có được những đàn chuột tốt. Số lượng lớn như thế nhưng hàng chục năm qua, chưa bao giờ xảy ra sai sót về chất lượng”.

Nói thì dễ nhưng để đảm bảo đúng yêu cầu của các đơn hàng là điều vô cùng khó khăn. Giao hàng vừa phải đúng hẹn, chuột phải đúng ngày tuổi… Trước yêu cầu này, trưởng trung tâm và các kỹ thuật viên phải tính toán để ghép đôi một cách cực kỳ chính xác, sao cho đúng ngày khách hàng đến nhận chuột là phải có đủ số lượng, mà số lượng đâu có ít, có lúc lên đến 10.000 con một lần giao, con nào cũng như con nào, nặng, nhẹ hơn nhau chỉ một, hai gam, còn tuổi thì tất cả phải đúng như yêu cầu.

Theo đơn đặt hàng mới nhận, chị Vũ Thị Vương tính toán: “Để giao đúng hẹn, chắc năm nay chúng tôi phải làm cả trong những ngày nghỉ Tết”. Tết nay cũng giống bao năm trước, chị và các nhân viên của trung tâm lại có một năm làm việc bắt đầu khi mọi người đang chơi xuân.






Home » News » “Trang trại” chuột giữa thủ đô